Máy bắt muỗi của “kĩ sư” hai lúa

Đăng Để lại phản hồi

Một thiết bị có cấu tạo khá đơn giản, rẻ tiền và thuận tiện, song lại đem lại hiệu quả cao cho rất nhiều hộ dân chăn nuôi. Quạt bắt muỗi của “kỹ sư hai lúa” Trần Văn Lía đã góp phần giải phóng gia súc gia cầm khỏi sự tấn công của côn trùng và đem lại cho người chăn nuôi những nguồn lợi lớn.

Năm 2007, sau khi mua đàn bò lai giống tốt về nuôi để kiếm lời. Song mãi mà vẫn không thu hồi được vốn, do đàn bò không lớn vì bị sự tấn công mạnh mẽ của bọn muỗi. Không thể để mặc đàn bò bị ốm đau, mất ngủ, gầy giơ xương vì bị muỗi cắn mãi, thế là “cái khó ló cái khôn”, ý tưởng về một chiếc máy bắt muỗi phù hợp dành cho bọn bò nhà mình đã được ông manh nha và cho ra đời.

Hút được 1 đến 2 lạng muỗi mỗi đêm

Vốn có niềm đam mê với môn vật lý, song do không có điều kiện theo học, nên hết lớp 12, ông ở nhà làm ruộng. Vì thế, ý tưởng tự thiết kế quạt bắt muỗi cũng là dịp để ông thực hiện sở thích của mình. Trước khi bắt đầu vào việc chế tạo máy diệt muỗi cho đàn bò của mình, ông đã cố gắng tìm trên thị trường những loại máy diệt muỗi tương tự, nhưng không có loại nào hiệu quả và phù hợp. Vì thế sau hơn một tháng suy nghĩ, mày mò áp dụng các tính chất của lực hút, lực đẩy và tận dụng sức gió, chiếc quạt bắt muỗi của ông đã ra đời

Vật dụng để chế tạo ra chiếc quạt bắt muỗi của ông Lía khá đơn giản. Chỉ cần 1 quạt điện, 1 bóng điện 75W hoặc 5W (bóng màu), 1m dây điện, 1m2 bìa cứng (hoặc bằng tole), 1m2 vải mùng mịn và 1 chai keo 502, ông đã chế tạo ra chiếc quạt bắt muỗi gồm 3 bộ phận hoạt động theo nguyên lý của lực hút và lực đẩy. Cách thiết kế máy cũng khá đơn giản, cắt 2 bìa cứng và khoanh thành 2 ống tròn, sau đó dùng keo dán chúng vào mặt trước và mặt sau của quạt điện, đặt bóng đèn màu vào ống tròn phía trước quạt (ống hướng gió), ống tròn phía sau quạt nối với một tấm vải mùng mịn.

Khi nào có muỗi nhiều, gió mạnh, người sử dụng đặt ống hướng gió của quạt bắt muỗi ngược với chiều gió, nối nguồn điện và nhấn nút khởi động quạt. Muỗi xung quanh sẽ bị mê hoặc bởi bóng đèn màu đặt trong ống hướng gió tự bay đến, gió sẽ đẩy chúng vào cánh quạt đang quay, lực quay của cánh quạt hút chúng vào ống tròn phía trong và đẩy qua tấm vải mùng phía sau, chết ngộp. Ở những khu vực nhiều muỗi như chuồng heo, chuồng bò, hàng đêm chiếc quạt này có thể “bắt” được từ 1 – 2 lạng muỗi.

6db9a_may-duoi-muoi

Ưu điểm lớn nhất của chiếc quạt bắt muỗi này là nguyên vật liệu dễ mua, dễ lắp đặt, quy trình vận hành đơn giản, dễ sử dụng, giá rẻ (khoảng từ 200 – 300 nghìn đồng/cái), chi phí điện thấp. Ngoài ra, xác muỗi có thể sử dụng làm thức ăn để chăn nuôi gà, ếch và cá cảnh. Quạt bắt muỗi được thiết kế to hay nhỏ tùy từng trường hợp nên dễ áp dụng rộng rãi trong hộ gia đình từ nông thôn đến thành thị, quán cà phê, bệnh viện hay bất cứ nơi nào có nhiều muỗi, góp phần đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và giúp cho người dân phát triển chăn nuôi tốt hơn.
Vật nuôi to béo, người nuôi phát tài

Sau khi tự mình mày mò thành công, Ông Lía tiếp tục đặt và hướng dẫn thợ cơ khí chế tạo nhiều máy nữa, rồi phổ biến cho người dân quanh xóm. Do máy có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, hoạt động hiệu quả và giá chỉ chưa đến 300.000 đồng, nên các hộ dân gần đó đã hưởng ứng nhiệt tình. Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc, nhiều nông dân từ Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cà Mau, Bến Tre… tìm đến nhà ông Lía để đặt hàng. Nhiều người ở xa gọi điện thoại nhờ ông Lía hướng dẫn kỹ thuật để tự thiết kế máy bắt muỗi đều được ông hướng dẫn nhiệt tình.

Ông Nguyễn Văn Lơn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: đã có nhiều nông dân từ các địa phương khác đã tìm gặp ông Trần Văn Lía để đặt mua hoặc nhờ chỉ dẫn cách chế tạo máy bắt côn trùng. Sản phẩm máy bắt muỗi của ông Lía đã được giải trong cuộc thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần III (2008 – 2009).

Số lượng máy bắt muỗi của ông Lía bán ra thị trường ngày càng tăng. Ngay cả một số tỉnh thành lớn như TP Hồ Chí Minh cũng đặt máy bắt muỗi ở chổ ông Lía . Một số trang trại chăn nuôi tại khu vực ven TP Hồ Chí Minh cho biết: “trang trại thường nuôi bò, heo với số lượng lên đến hàng trăm con, vì thế muỗi rất dễ sinh sôi phát triển. Từ ngày họ dùng máy bắt muỗi của ông Lía muỗi giảm đi trông thấy, nhờ đó bò ăn no ngủ khỏe. Nếu phổ biến việc sử dụng máy bắt muỗi trong từng hộ gia đình tại các vùng nông thôn, sẽ làm giảm đáng kể lượng muỗi trong tự nhiên, ổn định môi trường sinh thái, chăn nuôi có hiệu quả, góp phần hạn chế bệnh sốt rét và sốt xuất huyết…”.

Từ thành công trên, ông Lía đã cải tiến máy bắt muỗi thành máy bắt rầy cho lúa, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu. Về cơ bản máy bắt muỗi và máy bắt rầy giống nhau, song máy bắt rầy được trang bị thêm ống hút và ống đẩy dài và rộng hơn, có bình sạc điện và công tắc an toàn. Khi sử dụng máy có buộc một cành cây, kéo sát lá lúa để đánh thức rầy. Kết quả sử dụng cho thấy rất khả quan khi lượng rầy bị hút vào túi lưới khá nhiều.

Khi được hỏi về việc đăng kí sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, ông Lía cho biết sẽ tiến hành làm hồ sơ để gửi lên sở khoa học công nghệ tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho sản phẩm của mình. Riêng phần thiết kế máy bắt muỗi khá đơn giản, nên những hộ dân nào ở xa muốn tự mình thiết kế những sản phẩm để phục vụ gia đình mình, thì có thể liên hệ trực tiếp với ông để được hướng dẫn.

Nguồn: khoahoc.com.vn

5/5 - (40 bình chọn)
Trả lời